Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

4. Thiện nguyện Tuệ Tâm - XUÔI VỀ TRI TÔN – AN GIANG NGÀY 09 và 10.04.2011


Photobucket
Kể từ sau chuyến đi vui Tết Dương lịch 2011 cùng người dân nghèo, mù, khuyết tật xã Vĩnh Châu, xã Phú Tân, Sóc Trăng, sáng ngày 09.04.2011 đoàn thiện nguyện Tuệ Tâm lại hội tụ về Phòng khám Tuệ Tâm - 119 Nguyễn Văn Đậu, Quận Bình Thạnh. Hai mười bảy gương mặt thân quen gồm Bác sĩ, Y sĩ, Lương Y, Dược sĩ, Dược trung và anh chị em tình nguyện viên, cùng 300 phần quà gồm sửa, mì gói, đường, bột nêm và thuốc đầy đủ hơn 100 chủng loại là hành trang của đoản lên đường xuôi về Tri Tôn – An Giang để khám bệnh và phát quà cho bà con nghèo dân tộc Khmer vùng Núi Cô Tô – An Giang.

11h30 Chúng tôi dừng chân nghỉ trưa tại một trạm nghỉ thuộc địa phận Lai Vung – Đồng Tháp. Đến đây thật thích thú vì được thưởng thức hương vị trái cây ngọt lành của vùng đất phù sa. Qua phà Vàm Cống cả đoàn tiếp tục cuộc hành trình vào địa phận tỉnh An Giang. Rất nhiều bạn trong đoàn lần đầu tiên về thăm Châu Đốc – An Giang. Nhìn những dãy núi xa xa anh em trong đoàn trao đổi với nhau về lịch sử vùng đất này.

Có lẽ nơi đầu tiên chúng tôi mong đến là ngôi chùa Bà nổi tiếng nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đứng giữa Chùa, lòng thấy bình an đến lạ, mỗi người tự mình tìm đến một chỗ nào đó trước bàn thờ Bà yên lặng tịnh tâm. Khuôn mặt bạn bè tôi trở nên hồn nhiên, hiền lành, thanh thản..., không nói điều gì mà thấy thật gần gũi… Chúng tôi cầu mong cho chuyến khám bệnh này được thành công và mọi người đều mạnh khỏe, gặp được nhiều may mắn trong cuộc sống.

Những bậc thang đá ong dấu vết của sự cổ xưa đưa bước chân chúng tôi đến viếng thăm lăng mộ và đền thờ Đức Ông Thoại Ngọc Hầu, người khai phá và trấn giữ vùng biên địa này. Vị KHÂM SAI THỐNG CHẾ ÁN THỦ CHÂU ĐỐC ĐỒN, LÃNH, BẢO HỘ CAO MIÊN QUỐC ẤN, KIÊM QUẢN HÀ TIÊN TRẤN BIÊN VỤ. Để ghi nhận công lao to lớn của ông, người dân  đã xây nên ngôi đền này. Đọc tấm bia khắc ghi những đóng góp to lớn của ông cho đất nước, chúng tôi thật sự khâm phục tài năng cùng đức độ của ông. Chúng tôi rất tự hào về ông và có thể nói ông là tấm gương sáng cho con cháu muôn đời sau noi theo.

Trời chiều, mặt trời cũng vừa dịu về Tây, đoàn chúng tôi hướng về Núi Tô. Lòng nao nao, kia rồi…  thấp thoáng những hàng cây Thốt Nốt. Yên lặng trên xe, mọi người có lẽ đang thả hồn mình trước vẻ đẹp chiều của vùng núi rừng Tri Tôn, khi mặt trời hiền hòa không còn tia nắng thì xa xa, dãy núi kia đã mờ mờ sương, hòa quyện vào những đền đài, ngôi chùa kiến trúc Khmer… đang được sơn màu mới. Sắp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của người dân tộc Khmer rồi !
  
Đến nơi 19g30, chúng tôi đến UBND xã Núi Tô. Anh chị địa phương đã tiếp nhận thuốc và quà. Ân cần và chu đáo chúng tôi nhanh chóng thảo luận công việc chuẩn bị cho ngày mai. Trời cũng đã tối chúng tôi tạm chia tay dùng cơm tối tại nhà anh Phát

20g30 từng người một được đội xe ôm chở lên Chùa Bạch Vân Sơn – Bồng Lai trên Núi Cô Tô. Dù đã đi nhiều nơi, được trải nghiệm qua nhiều phương tiện vận chuyển nhưng thật sự mà nói không nơi nào ấn tượng như nơi này. Có ai đã từng trải qua cảm giác ngồi sau xe Honda, leo thẳng lên núi chỉ với số một, đường thì dốc gập ghềnh, có đoạn gấp khúc cực kỳ nguy hiểm, lại không có đèn đường; con đường thì nhỏ hẹp chỉ đủ cho hai chiều lên và xuống. Càng lên cao tai như bị ù đi trong chốc lát, có đoạn không dám thở mạnh vì sợ… Cứ mỗi lần có xe chạy ngược chiều là tim tôi như vỡ ra, không biết bằng cách nào mà người dân nơi đây lại có đủ can đảm, dũng cảm để mà vận chuyển hàng hóa và người như thế này nhỉ? Có  tài xế còn một tay chạy xe một tay cầm đèn pin vì đèn xe bị hỏng giữa đường, thật phi thường và đáng ngưỡng mộ những ý chí ấy. Khi đến tới nơi rồi mà tim vẫn còn đập liên hồi, miệng chỉ biết cười mà không nói nên lời nào…Và đến lúc xuống núi càng hồi hộp dễ sợ hơn, thấy người và xe cứ như lao thẳng xuống vực, cảnh vật thật đẹp mà chẳng dám nhìn ngắm, dồn hết tâm trí vào tài xế, cứ nhắm mắt lại tưởng tượng nếu không may xe bị vấn đề gì là sẽ chẳng biết ra sao nữa. Cảm giác cực kỳ mạnh. Ấn tượng mãi khó phai mờ.
Ngôi chùa nằm lọt thỏm giữa đồi núi hoang vu. Đoàn được nhà chùa tiếp đón thật ấm cúng. Sau một chặng đường khá dài, ai ai cũng mệt mỏi nên tranh thủ ngủ lấy sức để ngày mai khám bệnh đúng giờ. Giữa cơn say nồng đó, mọi người ai cũng giật mình vì tiếng gió thổi mạnh làm cho trái rừng rơi mạnh trên mái tôn, gió thổi từng cơn như muốn giật tung từng cánh cửa. Vì nơi lạ hay vì không quen với khí lạnh của núi rừng mà mọi người lại dậy thật sớm không cần đánh thức.

Buổi sáng nơi đây thật thích, hơi sương còn đẫm trên từng chiếc lá, không khí se lạnh như Đà Lạt, quang cảnh tuyệt vời, chim hót ríu rít. Thật lòng không muốn rời xa nơi này vội, nhưng vì tiến độ khám bệnh của bà con nghèo nên ai ai cũng tiếc rẻ, ngậm ngùi chia tay để xuống núi.

Đúng 7h sáng ngày 10.4.2011, cả đoàn Tuệ Tâm bắt tay vào việc, trước tiên là tổ trật tự, chỉ sau chừng 5 phút là những bệnh nhân đầu tiên đã được đưa vào cho bác sĩ khám bệnh. Bà con nơi này thật đáng thương, đa số là người già, người dân tộc Khmer ốm yếu, gầy gò. Có người may mắn có con cháu chở đi, có người không may phải tự thân một mình đi từ rất sớm để kịp giờ được khám bệnh. Nhìn những bước chân khập khễnh, những hơi thở khó khăn, những ánh mắt mờ mờ… của họ tôi thật xót xa. Theo đó lũ trẻ nơi đây trông ngây ngô, hiền lành đáng yêu làm sao. Đi theo cha mẹ khám bệnh mà chẳng dám rời xa họ nửa bước, cứ bám mãi vào tay cha mẹ. Khi được bác sĩ khám lại ngước đôi mắt sợ sệt nhìn cha mẹ như cầu xin cha mẹ hãy đến bên mình ngay tức thì…

Do điều kiện hoàn cảnh sống không tốt, nên đa số bà con nghèo mắc phải những bệnh thông thường như : viêm nhiễm đường tiêu hóa, thấp khớp, mắt, tai - mũi  - họng…

Và cũng nhân chuyến khám bệnh này, đoàn còn tặng cho bà con nghèo mỗi người một phần quà gồm : đường, sữa, mì gói… (khoảng 300 phần). Tổng kinh phí cho đợt khám bệnh và phát quà này lên trên 40 triệu đồng từ nguồn đóng góp của anh chị em thân hữu Tuệ Tâm.

Kết thúc việc khám bệnh này đúng 12g, cả đoàn lại về nhà anh Phát ăn trưa và tạm nghỉ ngơi. Và 13g30 tất cả mọi thành viên lên xe trở về Sài Gòn. Tạm chia tay vùng đất thân yêu này. Trên đường về mọi người bảo nhau sẽ cố gắng kể cho nhiều người biết sự nghèo khổ của người dân nơi đây, kêu gọi cộng đồng hãy mở rộng vòng tay, cùng góp sức để giúp cho đời sống người dân nơi đây bớt phần gian khó.

Chuyến đi lần này tuy vất vả, mệt nhọc nhưng đong đầy những tình cảm thân thương giữa người, với người. Trị giá của mỗi phần quà không là bao so với cuộc sống nơi phố thị nhưng lại cảm thấy vui thật sự cùng niềm vui của bà con nghèo khi nhận quà. Những ánh mắt và gương mặt thật đáng thương. Tôi chỉ biết cầu mong cho tất cả mọi người luôn luôn khỏe mạnh, sức khỏe dồi dào để có thể có thêm nhiều những chuyến đi như thế này, những cuộc hành trình xa xôi đầy ý nghĩa; nối dài mãi những nụ cười trẻ thơ trên mọi miền đất nước.

HM

Hình ảnh Về với người dân  vùng biên địa Núi Tô: http://tuetamclinic.multiply.com/journal/item/68
Photobucket

3 nhận xét:

  1. Lăng THOẠI NGỌC HẦU

    Vị trí: Lăng Thoại Ngọc Hầu thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Ðốc, tỉnh An Giang.

    Đặc điểm: Lăng Thoại Ngọc Hầu là một trong số nhiều di tích ở chân núi Sam. Tại đây có đền thờ ông Thoại Ngọc Hầu, mộ ông cùng hai phu nhân được xây vào thập niên 30 của thế kỷ 20.

    Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, một danh tướng nổi tiếng của triều Nguyễn. Ông sinh ngày 25/11/1761 tại Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, được phong tước Ngọc Hầu. Ông mất ngày 06/6/1829.

    Khung cảnh uy nghiêm của lăng Thoại Ngọc Hầu gợi cho du khách những hoài cảm về người xưa, về công đức của những bậc tiền bối, gây ấn tượng sâu xa, luyến tiếc cho những gì không thể tìm lại được của quá khứ.

    Phía trước lăng là khoảng sân rộng. Hai bà vợ của ông được chôn cất tại đây. Bà Nhất phẩm Châu Vĩnh Tế chôn phía tay phải, bà Nhị phẩm Trương Thị Miệt chôn phía tay trái, mộ ông nằm chính giữa. Trong Long Đình là bản sao bia "Thoại Sơn", bia "Vĩnh Tế Sơn". Trước Long Đình là hai con nai đắp bằng xi măng. Hai cửa lớn vào lăng rộng, hình bán nguyệt, kiến trúc theo lối cổ, liền với bức tường kiên cố dày 1m, cao 3m. Sau lăng là đền thờ trên nền cao hơn. Sau lưng đền thờ là sườn núi Sam tạo thành thế vững chắc kiên cố, tôn lên nét cổ kính uy nghi. Vào lăng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tượng Thoại Ngọc Hầu cao khoảng hai mét cùng những áng văn chương lộng lẫy, với liễn đối, hoành phi, văn bia, văn tế... gợi lại hình ảnh nước non một thời oanh liệt.

    Thoại Ngọc Hầu được triều đình nhà Nguyễn phong tước hầu cử vào khai phá trấn giữ An Giang. Ông đã tập hợp lưu dân hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi về ở các vùng Ông Chưởng (Chợ Mới), Núi Sập (Thoại Sơn), Châu Đốc, Long Xuyên... Ông là người tổ chức đào kênh Thoại Hà (con kênh có bề ngang 20 tầm - chừng 51m, dài 31.744m) và kênh Vĩnh Tế dài hơn 90km. Đào hai con kênh ấy trong thời kỳ công cụ lao động thô sơ và bằng tay, chân quả là việc làm thần kỳ. Sau khi hoàn tất việc đào kênh, Thoại Ngọc Hầu cho vẽ bản đồ trình triều đình Huế, được vua khen ngợi ban sắc chỉ cho lấy tên người mà đặt cho tên kênh là Thoại Hà (kênh Thoại) và lấy tên vợ chính của ông là Vĩnh Tế đặt cho kênh Vĩnh Tế. Để đánh dấu những công trình này, Thoại Ngọc Hầu cho dựng bia làm kỷ niệm: bia Thoại Sơn, Vĩnh Tế Sơn. Đồng thời trước ngày dựng bia, Ông cho nhiều toán người đi dọc hai bờ kênh, từ Châu Đốc đến Hà Tiên tìm hài cốt những dân binh tử nạn mang về cải táng hai bên tả và hữu khuôn lăng. Trong buổi lễ long trọng dựng bia kỷ niệm có đọc bài "Tế nghĩa trũng văn", do Thoại Ngọc Hầu đứng ra chủ lễ. "Nghĩa trũng văn" là bài thơ tế cô hồn tử sĩ, khắc ghi công lao và sự thương tiếc đối với binh sĩ, sưu dân đã bỏ mình trong công cuộc đào kênh...

    Du khách có dịp đến Thất Sơn - An Giang nhớ đến viếng thăm lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, ngắm dòng kênh Vĩnh Tế xanh biếc hiền hòa.

    Trả lờiXóa
  2. Răng chị không post lên một vài tấm ảnh về An Giang và lăng Thoại Ngọc Hầu hả chị.Vừa rồi lẽ ra em được đến tham quan An Giang nhưng cuối cùng không đi được, uổng quá!

    Trả lờiXóa
  3. Đẹp! Cảnh miền Tây Thật đẹp, em rất thích.Cám ơn chị nhé.Mong đoàn luôn có những chuyến hành trình thành công và đầy ý nghĩa!

    Trả lờiXóa